Cảm xúc và lý trí không hề đối lập nhau.
“Bạn chọn sống theo cảm xúc hay lý trí?” Đó là câu hỏi tệ, nhưng xuất hiện rất nhiều, và nhiều người thực sự phân vân xem nên chọn lý trí hay cảm xúc.
“Bạn chọn sống theo cảm xúc hay lý trí?”
Đó là câu hỏi tệ, nhưng xuất hiện rất nhiều, và nhiều người thực sự lắng nghe câu hỏi đó, ta thực sự phân vân xem bản thân nên chọn lý trí hay cảm xúc.
Nhưng vì đây là câu hỏi tệ, dù ta chọn lý trí hay cảm xúc thì câu trả lời ấy đều tệ.
Bởi cuộc sống này cần cả hai thứ đó.
1. Lý trí, cảm xúc và tại sao hai thứ này không đối lập nhau.
Để hiểu tại sao, chúng ta cùng nhìn vào khái niệm của lý trí và cảm xúc. Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, ta có:
- Lý trí: Khả năng nhận thức sự vật bằng suy luận, khác với cảm giác, tình cảm.
- Cảm xúc: Những rung động trong lòng khi tiếp xúc với một sự vật nào đó.
Chỉ nội việc nhìn vào định nghĩa của từ, rõ ràng lý trí và cảm xúc không hề trái ngược nhau. Muốn có lý trí thì cần suy luận, muốn có suy luận thì cần kiến thức và tư duy. Còn cảm xúc chỉ đơn thuần là “sự rung động”, ẩn sau cảm xúc là những hệ thống tâm lý phức tạp mà con người nào sinh ra cũng có.
Lý trí không trái nghĩa với cảm xúc. Lý trí trái nghĩa với cảm tính - Tức nhận thức sự việc bằng cảm giác mà không hề hiểu bản chất và quy luật của sự việc.
Cảm xúc không trái nghĩa với lý trí. Cảm xúc trái nghĩa với vô cảm - tức trở nên thờ ơ và lãnh đạm với sự việc bất chấp những tác động của sự việc ấy lên đời sống.
Vậy nên chúng ta cần đặt vấn đề chính xác hơn. Câu hỏi hợp lý không phải là sống lý trí hay cảm xúc, mà là:
Sống lý trí hay cảm tính?
Sống cảm xúc hay vô cảm?
Có lẽ câu trả lời đã quá rõ ràng.
Chúng ta cần cả lý trí và cảm xúc.
Không có lý trí, ta thành người cảm tính. Không có cảm xúc, ta thành người vô cảm.
2. Mối quan hệ lý trí - cảm xúc
Hãy quay về định nghĩa: Lý trí là khả năng nhận thức sự vật bằng suy luận và logic. Cảm xúc là sự rung động của ta trước một sự việc.
Chúng ta cần cảm xúc trước, chúng ta cần sự rung động trong nội tâm trước, chỉ khi ấy ta mới nhận thức được về sự vật. Khi đã nhận thức được sự vật, ấy là lúc lý trí vào cuộc để phân tích và suy luận.
Tức lý trí luôn đi cùng cảm xúc. Cảm xúc là thứ gợi cho ta vấn đề, gợi cho ta câu chuyện. Còn lý trí là thứ giúp ta phân tích và nhận thức sự việc đó. Hoặc ta có thể gói gọn trong câu nói:
“Cảm xúc chỉ cho ta con đường, còn lý trí dạy cho ta cách đi.”
Nếu cảm xúc là để chỉ cho lý trí con đường, vậy thì lý trí là để bảo vệ cảm xúc khi bước đi trên con đường ấy.
Hãy nhớ, chúng ta là con người. Chúng ta có những cảm xúc như một con người. Và những rung động trong cảm xúc, vừa có thể đem lại cho con người một ngày thật tuyệt vời, vừa có thể bóp nát tinh thần của chúng ta.
Cảm xúc vừa là người bạn tinh thần của chúng ta, vừa có thể giết chúng ta bất cứ lúc nào. Khi không tôn trọng cảm xúc của chính mình, cảm xúc sẽ giết chúng ta, bởi cảm xúc là thứ sinh ra cùng con người, và sẽ bám lấy con người cho đến khi chúng ta không còn trên thế gian này nữa.
Cũng chính vì cảm xúc, chúng ta mới có những khẩu hiệu như “Đừng làm nô lệ của cảm xúc”, “Hãy làm chủ cảm xúc của chính mình”.
Mà để làm được điều đó, chúng ta cần lý trí, chứ không phải vô cảm. Việc chúng ta cố trở nên vô cảm cũng thể hiện chúng ta đang sợ hãi cảm xúc. Vậy nên không phải trở nên vô cảm, mà là hãy dùng lý trí, hãy nhận thức sự vật hiện tượng bằng suy luận và diễn giải.
Mà để có suy luận và diễn giải, chúng ta cần có kiến thức. Hay nói cách khác, trở nên lý trí hơn gắn liền với mưu cầu tri thức. Đặc biệt là những timeless wisdom cho ta sự hiểu biết về chính bản thân và sự vận động tuần hoàn của xã hội.
Hãy để sự hiểu biết ấy gỡ rối chính vấn đề trong cảm xúc của chúng ta.
Vậy nên với tôi, liều thuốc “chữa lành” nhất cho con người là tạo cho họ một tinh thần ham học hỏi.
Và lý trí và cảm xúc không hề tách biệt. Trong lý trí luôn có cảm xúc, trong cảm xúc luôn có lý trí. Chúng song hành cùng nhau, bổ sung cho nhau, nâng đỡ với nhau. Chúng ta không thể thành người giàu cảm xúc mà không có lý trí, càng không thể trở thành người lý trí mà thiếu đi cảm xúc.
3. Tình yêu không lý trí
Đã là tình yêu thì không có lý trí, không có luân thường đạo lý, ấy là một quan niệm tình yêu đầy ngu xuẩn.
Lý trí luôn đi kèm thái độ mưu cầu tri thức và khả năng tư duy. Vậy nên tình yêu không lý trí nó ngu xuẩn vì tình yêu này hợp thức hóa sự vô lý, vô tâm, và thậm chí là vô học.
Bây giờ chúng ta đã là người yêu của nhau, vậy thì phải biết giữ mình, phải biết hạn chế chơi bời nhắn tin với người khác giới. Điều này hợp thức hóa việc kìm hãm nhu cầu kết nối nhiều người của đối phương, hợp thức hóa việc thu nhỏ vòng tròn networking của đối phương.
Ta là bố là mẹ của con. Bố mẹ thì lúc nào cũng yêu con. Vậy nên kể cả bố mẹ sai thì con cũng không được trách hay ghét bố mẹ, bởi vì bố mẹ như thế là yêu con. Điều này hợp thức hóa thái độ không sửa sai của nhiều bậc làm cha làm mẹ.
Tôi là người yêu nước. Tôi sẵn sàng gạt phăng đi nhân quyền của bất cứ ai tôi nghĩ là phản động hay có quan điểm trái chiều với Đảng. Điều này hợp thức hóa làm chuyện vô nhân đạo một cách công khai, thay vì chúng ta có bất cứ một cuộc tranh luận làm sáng tỏ chân lý nào.
(Tham khảo thêm: Cuộc cách mạng văn hóa của Hồng vệ binh tại Trung Quốc để hiểu điều tương tự cũng đang diễn ra tại Việt Nam)
Những câu chuyện trên quá phổ biến, phổ biến tới phát mệt khi tôi phải nghe đi nghe lại cùng một nội dung. Thậm chí chúng ta tưởng chừng nó không liên quan tới nhau, nhưng thực tế lại liên quan đến không ngờ.
Dẫu cho tình yêu không lý trí là sự hợp thức hóa những ham muốn vô lý nhất (và thậm chí là độc ác nhất) của con người, nhưng nó lại luôn được tôn vinh như thứ gì đó thiêng liêng. Đã là tình yêu, dù ở hình thái méo mó ra sao, thì luôn thiêng liêng và trong sáng. Chỉ nghe ai thốt ra câu đấy đủ làm tôi nổi da gà và sẵn sàng block.
Bởi thứ tình yêu méo mó ấy đang ở khắp nơi, từ vi mô như bạn bè, người yêu, gia đình, hay vĩ mô hơn là “tinh thần yêu nước” của chủ nghĩa sô-vanh, của Hồng vệ binh.
Các mối quan hệ lần lượt đổ vỡ, con người đua nhau đi chữa lành. Hóa ra ngay đến phong trào chữa lành cũng chỉ là hệ quả thứ gọi là “tình yêu trong sáng thì không lý trí”. Ngay khi viết những dòng này, chính tôi cũng thấy có phần tự hào về bản thân khi có thể tìm ra mối liên hệ giữa những thực trạng lớn và phổ biến trong xã hội hiện giờ.
Bức tranh hậu quả của tình yêu không lý trí rất rõ ràng, ở mọi nơi, nhưng tôi chẳng rõ khi nào chúng ta mới chịu dừng việc tìm kiếm hay sẵn sàng vứt bỏ một tình yêu hợp thức hóa những hành động vô lý nhất của chúng ta nữa.
Phải tới khi nào chúng ta mới nhận ra “tình yêu không lý trí” là một kiểu tình yêu cấp thấp. Là chẳng có học thức gì ngoài cái thứ được gọi là tình yêu và gatekeep, nhưng luôn được tôn sùng là thiêng liêng và trong sáng?
4. Lời kết
Khi viết những dòng này, mong muốn lớn nhất của tôi là người đọc đừng trở nên vô cảm (thứ nhiều người coi là lý trí), hay trở nên thuần cảm tính, thuần bản năng (thứ nhiều người tôn sùng là tình yêu)
Tôi mong những người trong chúng ta sẽ sống đầy lý trí và đầy cảm xúc.
Đầy cảm xúc để hưởng thụ hương vị của cuộc sống này một cách đầy đủ nhất.
Đầy lý trí để không bị dắt mũi vào con đường ngu muội nhất và sai lầm nhất.
Đầy cảm xúc và lý trí, để chúng ta luôn tỉnh táo nhất, và sống yêu thương nhất.
Và ta hãy đưa cả cảm xúc và lý trí vào tình yêu. Tình yêu với cha mẹ con cái, tình yêu với họ hàng, tình yêu với bạn đời, tình yêu với đồng bào, tình yêu với quê hương, tình yêu Tổ quốc, tình yêu với các nhóm thiểu số, tình yêu với bất cứ ai trên thế giới này, dù là tình yêu nào thì cũng cần cả lý trí và cảm xúc.
Chỉ như vậy thì cũng ta mới không là những con người hành động thuần bản năng, hay trở nên vô cảm. Hay nói cách khác, chỉ khi có cả lý trí và cảm xúc, con người mới thực sự “người” hơn.
---
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.