Cái chúng ta cần là cảm giác
Chúng ta không cần ai đó có một hành động cụ thể cho ta, mà ta cần cảm giác họ đem lại.
Cái chúng ta cần là cảm giác
Tôi từng tự hỏi, tại sao câu nói “Bạn sẽ làm được” từng truyền rất nhiều cảm hứng, nhưng ngày nay, nó được gán mác self-help, thậm chí được liệt vào top những câu nói “sáo rỗng” nhất. Thậm chí chúng ta còn cảm thấy sự kỳ vọng của người nói đang đặt lên ta. Thành ra câu nói “bạn sẽ làm được” không chỉ mang cảm giác sáo rỗng, mà còn tạo áp lực.
Hay thậm chí cả câu nói: “Đừng đưa ra lời khuyên”. Nó như là tư tưởng của thời đại này vậy. Cuốn sách “Đắc nhân tâm” với rất nhiều lời khuyên từng thay đổi cuộc đời của nhiều người, tạo nên âm hưởng mạnh mẽ suốt vài thập kỷ cho đến hiện tại. Rõ ràng những con người vài thập kỷ trước đó cũng gặp những khó khăn, họ thật sự cần những lời khuyên. Họ cười vào tư tưởng “đừng đưa ra lời khuyên” ở thời hiện đại này thì chẳng có gì là lạ.
Lời giải thích đơn giản cho hiện tượng này là do xã hội đã thay đổi, do các cuốn sách self-help với những lời khuyên sáo rỗng đầy rẫy trên thị trường. Nhưng đối với tôi, đó không phải lời giải thích thỏa đáng. Tôi chưa thấy một bức tranh “toàn cảnh” về hiện tượng này.
Ví dụ về một mảnh ghép đang thiếu trong bức tranh “toàn cảnh” mà tôi mong muốn:
Tôi đọc vài bài viết với thông điệp na ná nhau kiểu: “Người ta không cần lời khuyên, người ta cần người lắng nghe.” Thật ra thông điệp như vậy không sai, nhưng chưa đủ. “Lắng nghe” là như thế nào? Cần làm gì để lắng nghe khi người ta tìm đến với mình? Hay rốt cuộc thông điệp ấy sẽ khiến người ta nhạy cảm với lời khuyên giúp họ tốt lên, liên tục tìm đến bạn như một nơi xả tiêu cực, thay vì tự tìm cách để cứu lấy chính mình.
Nếu bóc tách cả những câu nói từng được ưa chuộng nhưng ngày nay bị coi là “sáo rỗng” như “Bạn sẽ làm được thôi mà”, “Hãy tin vào bản thân mình”, “Con gái là để nâng niu”,… Tôi đều thấy những “mảnh ghép thiếu” tương tự như câu nói “Đừng đưa ra lời khuyên”.
Tôi tìm ra được một phần trong mảnh ghép còn thiếu đó, và chúng ta có bài viết hôm nay.
---
Tôi từng đọc câu chuyện như này:
Vào buổi đêm, trời tối đen, người thiền sư chào tạm biệt người đệ tử. Để về nhà, người đệ tử phải băng qua khu rừng dài 16 cây số. Bóng tối và nguy hiểm rình rập. Người đệ tử sợ hãi. Thấy sự lo lắng của đệ tử, người thiền sư nói:
“Trông con có vẻ lo lắng, để ta cho con cây đèn này.”
Vị thiền sư đưa cho đệ tử cây đèn nhỏ. Người đệ tử vui vẻ cảm ơn vị thiền sư. Ngay khi cậu ta quay gót và bước được một bước, vị thiền sư nói: “Chờ đã”, rồi bước đến chỗ đệ tử.
Ông thổi tắt cây đèn.
Ông thổi tắt chính cây đèn giúp cho người đệ tử bớt lo lắng khi bước vào màn đêm vô tận kia.
Ông nói rằng:
“Một thiền sư chân chính cho con sự can đảm, không phải sự hèn nhát. Hãy can đảm một mình đi vào rừng. Hãy trở thành ngọn đèn soi sáng chính cuộc đời mình. Hãy nhớ rằng ánh sáng của người khác không giúp gì được cho con. Hãy vào rừng, hãy can đảm.”
Tại sao vị thiền sư không trực tiếp nói với đệ tử rằng: “Hãy can đảm vào rừng đi?”. Tại sao ông phải đưa cho đệ tử cây đèn trước, xong rồi chính ông lại thổi tắt nó đi?
Ông phải đưa cho đệ tử kia cây đèn trước, bởi vào khoảnh khắc ấy, bên trong người đệ tử không có “sự can đảm”. Bởi vì trong người đệ tử chưa có sự can đảm, vậy thì anh không thể đi vào rừng được. Có bảo anh “Hãy can đảm lên, hãy đi vào rừng đi” cũng phản tác dụng, bởi khi ấy anh chưa cảm nhận được can đảm là như thế nào. Anh không cảm nhận được sự can đảm, vậy thì làm sao anh có thể làm theo lời khuyên của vị thiền sư?
Hành động đưa cây đèn của vị thiền sư, thực chất nó không phải để soi sáng hay dẫn đường cho người đệ tử. Khi người đang lạc lối nhận được một cây đèn, anh sẽ không còn cảm giác lạc lối nữa. Anh sẽ có niềm tin “mình sẽ vượt qua được khu rừng này.” Vậy là anh đã biết cảm giác “mình sẽ vượt qua khu rừng này” là như thế nào. Đây mới chính là thứ vị thiền sư thật sự muốn giao cho anh.
Ông trao cho anh niềm tin vào bản thân thông qua cây đèn. Bản thân cây đèn chỉ là một vật trung gian, không phải thứ trực tiếp quyết định anh sẽ vượt qua chính mình. Vị thiền sư gọi đó là: “Trao anh sự can đảm”. Vị thiền sư không trao người đệ tử cây đèn, ông trao người đệ tử sự can đảm.
Và khi vật trung gian đã hoàn thành trách nghiệm của mình, vậy thì không cần vật trung gian đó nữa, người đệ tử không cần đặt sự can đảm của bản thân vào nguồn sáng của người khác nữa. Vị thiền sư thổi tắt cây đèn ấy đi.
Câu chuyện này cho tôi một thông điệp quan trọng, một mảnh ghép trong bức tranh toàn cảnh tôi đề cập ở đầu bài viết này: “Thứ chúng ta thật sự cần là cảm giác. Thứ chúng ta muốn được nhận đều là vô hình.”
Như người đệ tử trong câu truyện trên, thứ anh ta cần được cho là sự can đảm. Sự can đảm thì vô hình.
Hay như thông điệp “Người ta không cần lời khuyên, người ta cần người lắng nghe.” trong rất nhiều bài viết “Đừng đưa lời khuyên”, thứ đối phương cần không phải là bạn hiểu câu chuyện của họ, hiểu cảm giác của họ. Đối phương không cần cái đó, thứ đối phương cần là họ muốn “cảm thấy được lắng nghe”. Thứ họ muốn nhận sự vô hình. Việc đối phương cảm thấy được lắng nghe và việc ta hiểu cảm giác của họ như nào là hai chuyện khác nhau. Nó không liên quan. Ta tự nhận ta hiểu đối phương, trong khi chính đối phương chưa chắc đã hiểu mình, vậy thì sao họ thấy được bạn đang cho đi “cảm giác được lắng nghe”.
Hoặc như câu nói “con gái là để nâng niu”, “hãy tin vào chính mình”,… Nhưng câu nói này đều hữu hình, nhưng trong xã hội ngày nay, những câu nói hữu hình này không đem lại “cảm giác nâng niu” nữa, nó cũng không còn đem lại “cảm giác tin vào chính mình nữa”. Con người chúng ta có muốn cảm giác được nâng niu không? Có! Chúng ta có muốn cảm giác được tin vào chính mình không? Có! Thứ chúng ta thực sự muốn nhận là những thứ vô hình như vậy.
Còn những thứ hữu hình đóng vai trò vận chuyển những thứ vô hình (cây đèn, những lời khuyên,…) thì sao? Ngay từ đầu chúng ta không cần quan trọng vận chuyển là gì rồi.
---
Chúng ta muốn được trao những cảm giác vô hình. Chúng ta đều muốn những cảm giác vô hình như “tin vào bản thân”, “được nâng niu”, “được tôn trọng”, “được lắng nghe”,….. nảy nở bên trong chính chúng ta.
Nhưng những cảm giác đó không phải thứ được cho đi hay nhận lại. Nói chính xác thì, những cảm giác ấy đã ở bên trong chúng ta, nhưng nó cần được khơi ra. Giống như vị thiền sư phải đưa đệ tử cây đèn để khơi ra lòng can đảm trong chính bản thân cậu vậy.
Cây đèn là vật thể hữu hình.
Những cảm giác vô hình mà chúng ta mong muốn cần những thứ hữu hình để khơi ra.
Hay nói cách khác, những vật chất hữu hình trong cuộc sống hằng ngày xung quanh ta, thông tin về nó không chỉ đi vào trong chúng ta một cách máy móc, không chỉ đơn thuần là sự mã hóa 1:1, mà nó còn khơi lên cho chúng ta cảm giác về nó nữa.
Nó có thể là những cảm giác chúng ta mong muốn như: được nâng niu, được lắng nghe,… Nhưng nó cũng có thể là cảm giác mà chúng ta chán ghét và sợ hãi như: Được kỳ vọng, bị phán xét, bị chê bai,…
Điều này cũng giải thích cho việc: Tại sao cuốn sách Đắc nhân tâm từng khuynh đảo thị trường Mỹ bấy giờ, nhưng ngày nay lại nhận quá nhiều chỉ trích vì những lời khuyên sáo rỗng dạy người cách thảo mai.
Bởi những gì trong cuốn sách đó là những lời khuyên cụ thể, là những thứ hữu hình, những lời khuyên áp dụng được ngay. Những thứ hữu hình đó khơi được cho con người ngày ấy cảm giác được kết nối với nhau, cảm giác được sống hòa thuận với nhau.
Nhưng ngày nay, các lời khuyên ấy không còn khơi ra cảm giác hòa thuận hay kết nối nữa. Nó khơi ra cảm giác thảo mai. Nó khơi cảm giác thảo mai bởi những người thảo mai đã thật sự áp dụng những lời khuyên như vậy. Vậy nên chúng ta không còn cảm thấy những lời khuyên trong Đắc nhân tâm là còn giá trị. Những lời khuyên hữu hình ấy không còn chuyển được cảm giác của sự kết nối hay hòa thuận tới với chúng ta nữa.
Hay như câu nói “con gái là để nâng niu”. Khi câu nói đấy được dùng với mục đích biến người phụ nữ thành phái yếu, thành người cần được bảo vệ, vậy thì nó không còn đem lại cho những cô gái cảm giác được nâng niu nữa. Nó sẽ đem lại cảm giác về thiếu bình đẳng, thiếu tôn trọng. Và rồi chúng ta ghét câu nói ấy.
…
Tương tự với các lời khuyên, các thứ hữu hình, những câu nói đã bị coi là cổ lỗ sĩ. Chúng cổ lỗ sĩ là vì chúng không còn gợi nên cảm giác mà chúng ta mong đợi nữa, vậy thôi.
---
Con người phát triển là để cô đơn - Đó là title của một bài viết của một đồng-write trong cộng đồng WOTN Thái Hà.
Tôi muốn phát triển thêm một ý nữa để giải thích câu nói này, rằng: Khi con người phát triển, khi con người nghĩ sâu xa hơn, những thứ hữu hình có thể gợi cảm giác kết nối và an toàn sẽ giảm dần, và tiếp tục giảm dần theo thời gian. Cũng vì vậy mà “cảm giác kết nối” trong chúng ta cũng dần khó khơi dậy hơn, và rồi chúng ta cảm thấy cô đơn hơn.
Tôi tự hỏi, đây có phải đang là bài toán khó khăn của xã hội hiện đại?
Giờ mới đọc bài của Trâm, hay quá ạ! Thật sự việc lắng nghe đúng cách hay cho người khác cảm giác họ cần là điều cực kì khó, đặc biệt là khi chúng ta cũng đang tổn thương, ví dụ như trong lúc cãi nhau chẳng hạn. Đó là điều mình phải luôn come back và relearn ấy. Thế nên, những bài viết như thế này của Trâm, có thể đọc mãi cũng đc, vẫn sẽ thấy mới!